Lượng thức ăn tăng theo giá
Ông Trầm Quốc Thắng – Giám đốc HTX chăn nuôi lợn Tiên Phong ở Củ Chi (TP.HCM) cho biết mức giá tốt đang dừng ở ngưỡng 47.000 đồng/kg nhưng nhiều hộ nông dân không còn lợn để bán.
Ông cho rằng mức giá cao hiện nay có thể cầm chừng trong một thời gian nữa nhưng không chắc lâu dài. Vì các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có tổng đàn nuôi không cao, trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nơi nắm giữ đàn lợn lớn vẫn duy trì và tiếp tục tăng trong thời gian qua.
Trang trại lợn của một hộ dân ở xã Sông Xoài, huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: Thanh Trí
Ông Thắng dẫn chứng số liệu mới nhất của Bộ NNPTNT, việc nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam thời gian qua vẫn tăng. Giá trị nhập khẩu thức ăn trong tháng 5 đạt khoảng 335 triệu USD. Như vậy, trong 5 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu các mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt hơn 1,6 tỷ USD; tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu ngô và lúa mì – 2 mặt hàng chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng đều tăng so cùng kỳ.
Mới đây, Sở Công Thương Đồng Nai cũng cho biết nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu cũng có sự tăng trưởng. Trong 5 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của tỉnh ước đạt 379 triệu USD, tăng khoảng 18% so với cùng kỳ.
Trong tháng 5.2018, Đồng Nai nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu ước đạt 98 triệu USD; tăng khoảng 20% so với tháng 4 và tăng hơn 52% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng đột biến là do từ cuối tháng 4, giá lợn hơi bắt đầu tăng cao, nhiều doanh nghiệp, trang trại tăng đàn. Chưa kể, các trang trại nuôi gà thịt cũng tăng đàn với số lượng lớn.
Trước đó, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Xuân Dương – Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) đánh giá việc giá lợn tăng hiện nay do hiệu quả từ công tác điều hành. Tuy nhiên, ông Trầm Quốc Thắng cho rằng: “Mặc dù giá lợn hơi đang ở mức cao, giúp ngành chăn nuôi hồi phục khả quan hơn nhưng giá biến động với biên độ thất thường như hiện nay rõ ràng là do thị trường tác động, chứ hiệu quả từ công tác điều hành không đáng kể”.
Bất cập con số thống kê
Ông Nguyễn Ngọc Quảng – nông dân ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cho biết dù giá lợn hơi đang sốt nhưng ông vẫn treo chuồng và chưa có ý định tái đàn. Mặt khác, thời điểm này, giá đầu vào của chăn nuôi lợn rất cao vì giá giống, giá thức ăn đều tăng chóng mặt. Chưa kể các đại lý cám cũng không cho mua gối đầu đến khi bán lợn mới trả như trước. Vì thấy thị trường không ổn định nên nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn “án binh bất động”, chưa tính đến chuyện tái đàn.
“Số đầu lợn tăng giảm rất nhanh theo thời giá nên ngay cả khi nhìn vào các con số thống kê tổng đàn cũng không ai dám tin tưởng mà đưa ra dự báo chính xác cho công việc, vốn liếng của mình” – ông Quảng nói.
Trước đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng đàn lợn cả nước hiện nay giảm khoảng 5,8% so với cùng kỳ. Nhiều người nhận định con số này không lớn đến mức khiến thị trường thiếu hụt trầm trọng, làm giá lợn tăng gấp đôi chỉ trong thời gian ngắn.
Ông Đoàn Xuân Trúc – Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng số đàn lợn phải giảm nhiều hơn thế, có thể gấp 3 lần. “Muốn chính xác, phải đi xuống các tỉnh, xuống các trang trại, nông hộ thống kê ghi nhận thì mới có con số chính xác được” – ông Trúc nhấn mạnh.
Theo ông Trần Văn Quang – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Đồng Nai, thực tế là công tác thống kê không ai đi đếm từng đầu con. Phương pháp hiện nay vẫn là chọn mẫu điều tra rồi nhân lên. Việc thống kê lại mang tính thời điểm trong khi tổng đàn phát triển và dao động liên tục. Việc biến động nhanh hay chậm lại tùy thuộc vào giá thị trường; giá tăng thì tổng đàn tăng, giá tổng giảm thì đàn giảm.
Còn cách tính từ khối lượng thức ăn quy ra đầu con cũng chỉ tương đối. Lượng tiêu thụ của mỗi loại gia súc gia cầm khác nhau. Ngay trong đàn lợn, con nái hậu bị tiêu thụ khác, con nái mang thai tiêu thụ khác, con nái đang nuôi con lại khác… Như thế, quy thức ăn ra đầu con thì không thể tính được chính xác cơ cấu đàn.
“Con số thống kê mặc dù mang tính pháp lý nhưng vẫn có sự chênh lệch nhất định với con số thực tế. Đây cũng là bất cập còn tồn tại trong công tác quản lý” – ông Quang giải thích.
Theo danviet