Phát huy lợi thế đất đồi rừng, những năm qua, anh Ôn Đại Hải, thôn Đồng Giang, xã Trung Mỹ (Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã tìm tòi, nhân rộng mô hình nuôi thả gà Lượng Huệ. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, áp dụng đúng quy trình chăm sóc, phòng dịch nên đàn gà hơn 14.000 con của gia đình anh Hải phát triển tốt; cho xuất chuồng đều đặn và tạo nguồn thu nhập từ 200- 300 triệu đồng/năm.
Toàn bộ khu vực chuồng trại được anh Hải sử dụng đệm lót sinh học giúp giảm thiểu mùi hôi.
5 năm trở lại đây, vợ chồng anh Ôn Đại Hải đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi gà thả từ 6.000 con lên hơn 14.000 con trên mảnh đất đồi rừng rộng hơn 3 ha của gia đình.
Hiện nay, toàn bộ số gà thịt đang nuôi thả trong trang trại đều là giống Lượng Huệ và được anh Hải đánh giá tốt về chất lượng cũng như giá thành đầu ra của sản phẩm.
Anh Ôn Đại Hải cho biết: “3 năm nay gia đình tôi lựa chọn giống gà Lượng Huệ để nuôi do chúng có những ưu điểm vượt trội là tỷ lệ sống cao; phát triển đồng đều; lớn nhanh nên hơn 3 tháng được xuất chuồng 1 lứa (trọng lượng từ 2,3- 2,4kg/con); da giòn, thịt dai và ngọt”…
Với quy mô 14.000 con gà, anh Hải đã đầu tư xây dựng khu chuồng trại chăn thả rộng hơn 1.500m2. Ngoài khu vực nuôi nhốt, mỗi chuồng đều được bố trí 1 khoảng sân nhỏ liền kề để đàn gà có điều kiện chạy, đi lại góp phần nâng cao chất lượng thịt.
Với phương pháp nuôi “gối”, mỗi tháng, anh Hải xuất chuồng 1 lứa, từ 3-4 nghìn gà (khoảng gần 10 tấn ). Thời gian qua, do giá gà ổn định (khoảng 60 nghìn đồng/kg) nên người chăn nuôi rất phấn khởi khi được thu lãi thường xuyên.
Theo anh Hải, đối với chăn nuôi gà thịt, giai đoạn quan trọng mang tính quyết định là khi chăm sóc gà từ 1-15 ngày tuổi. Bởi, thời điểm này gà con rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết nên thường nhiễm các loại bệnh, dịch nguy hiểm. Do đó, phải phòng bệnh cho gà bằng các loại vaccine.
Nhờ làm tốt công tác phòng ngừa dịch bệnh nên trang trại của anh Hải chưa có những thiệt hại lớn về kinh tế. Do quy mô chăn nuôi khá lớn, anh Hải đã áp dụng phương thức nuôi gà trên nền đệm lót sinh học để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Anh Hải cho biết thêm: Sử dụng đệm lót sinh học giúp giảm thiểu mùi hôi, khí độc và ruồi muỗi phát sinh từ khu vực chuồng trại, tạo môi trường sống tốt hơn cho đàn vật nuôi; tiết kiệm được công sức lao động và thức ăn… so với phương pháp chăn nuôi cũ.
Với sự cần cù, chịu khó và áp dụng thành công mô hình nuôi gà Lượng Huệ, mỗi năm, vợ chồng anh Ôn Đại Hải có thu nhập từ 200- 300 triệu đồng. Đây là mô hình kinh tế tiêu biểu của địa phương, được nhiều nông dân đến học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng.
Nguồn: Báo Vĩnh Phúc