nuoc-giai-khac-LC-Foods (1)

Giá thịt lợn tăng cao: Cơ hội bình ổn ngành chăn nuôi

Sau hơn 1 năm giá lợn xuống thấp, nhiều người chăn nuôi bỏ trống chuồng hoặc cầm chừng, gần đây, giá thịt lợn hơi xuất chuồng bỗng tăng theo từng ngày. Đây là tín hiệu tích cực cho cả ngành chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, cơ quan quản lý khuyên các hộ dân nên bán chứ không nên “găm hàng” tiếp tục chờ giá cao hơn, bởi có thể lại gặp rủi ro “ôm trái đắng”.

Giá lên kỷ lục

Tính đến thời điểm này, giá thịt lợn so với thời điểm tháng 4/2017, khi mà tất cả các bộ ngành phải đồng loạt vào cuộc kêu gọi giải cứu thịt lợn thì giá thịt lợn hơi xuất chuồng hiện tại đã tăng gấp 2,5-3 lần và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng. Cụ thể, tại Vĩnh Phúc, Nam Định, Hưng Yên giá lợn hơi loại đẹp nhất đang được xuất bán ở mức 42.000 đồng/kg; ở Hà Nội giá dao động từ 41.000-43.000 đồng/kg tuỳ loại. Giá lợn tăng mạnh nhất là ở Sơn La, Hà Tĩnh.


Giá lợn hơi đã vượt mức 40.000 đồng/kg – Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Tại các địa phương này, người chăn nuôi cho biết thương lái đang vào tận chuồng hỏi mua lợn hơi với giá 44.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất kể từ đợt sốt giá vào tháng 7/2017.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, vào thời điểm tháng 3/2018, giá thịt lợn hơi xuất chuồng chỉ dao động quanh mốc 31.000-34.000 đồng/kg. Thế nhưng, đến nay, sau khoảng 2 tháng, giá lợn hơi đã chạm mốc 44.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000-13.000 đồng/kg, giúp người chăn nuôi lợn thoát cảnh thua lỗ và chuyển sang có lãi khá. Không chỉ giá lợn hơi xuất chuồng tăng lên mức kỷ lục, dịp này, giá lợn giống cũng tăng cao chóng mặt, nhiều nơi lợn giống đã tăng lên mức 1-1,2 triệu đồng/con.

Không chỉ ở miền Bắc, tính đến thời điểm ngày 9/5, tại khu vực các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên giá heo hơi báo tăng mạnh, có nơi tăng tới 3.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị giá lợn hơi tăng lên khoảng 40.000 – 43.000 đồng/kg. Tại Thanh Hóa, giá lợn hơi tăng khoảng 1.500 đồng/kg lên 41.500 đồng/kg.

Tại Đồng Nai giá lợn hơi đã tăng lên mức 40.000 – 43.000 đồng/kg, một số chủ trại tại đây cho biết nhiều ngày qua thương lái thu mua nhiều nhưng không còn lợn để bán. Các địa phương khác như Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh,… cũng đồng loạt tăng từ 1.000 – 3.000 đồng/kg. Giá thịt lợn hơi toàn miền Nam dao động từ 36.000 – 43.000 đồng/kg. Nguyên nhân của tín hiệu tăng giá đáng mừng này là nguy cơ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc có thể sẽ xảy ra. Nếu phía Trung Quốc đánh thuế 25% với thịt lợn và đậu nành nhập khẩu từ Mỹ sẽ làm cho giá thịt lợn nhập từ Mỹ và chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi lợn Trung Quốc tăng. Khi đó, Trung Quốc phải tìm nguồn thay thế. Và đây là cơ hội cho chăn nuôi của Việt Nam. Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của Trung Quốc khoảng 53 triệu tấn/năm. Mỗi năm nước này nhập chính ngạch khoảng 1,5 triệu tấn thịt lợn.

Hiệu quả từ chính sách

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) khẳng định, giá lợn bắt đầu tăng trở lại là nằm trong dự liệu, bởi đó là kết quả của việc thực hiện các chính sách giảm cung và tăng cầu.


Để tái đàn hiệu quả chăn nuôi cần lưu ý vệ sinh phòng chống dịch bệnh,
chọn thức ăn và con giống tốt. Ảnh:VGP/Đỗ Hương

Ông Dương khẳng định: “Việc giảm đàn nái thông thường thì phải 1 năm mới thấy được hiệu quả. Và đến thời điểm này chúng ta đã thấy sự tác động theo mắt tích cực là giá lợn trên khắp cả nước đã tăng mạnh, giúp người chăn nuôi có lãi. Giá thịt lợn hơi tăng lên mức 40.000-42.000 đồng/kg, cá biệt có nhiều nơi chạm mốc 44.000 đồng/kg là mức giá rất tốt, bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành hàng thịt lợn. Bởi, với mức giá này, đã giúp người chăn nuôi có lãi, người kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi cũng có lãi và người tiêu dùng thì có thể chấp nhận mua được vì phù hợp với túi tiền”.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương nhận định, nguồn cung thịt lợn trên thị trường đã ngang bằng với nhu cầu. Theo đó, mức giá trên 40.000 đồng/kg sẽ duy trì trong một thời gian tương đối dài. Tuy nhiên, người chăn nuôi không nên găm hàng vì dễ tạo sốt ảo, không bền vững. Lợn nuôi đến lúc xuất chuồng có trọng lượng từ 90-110kg/con có thể bán để chốt lời, bởi nguồn cung của chúng ta hiện nay không hề thiếu.

“Cũng không nên tăng đàn ồ ạt. Đặc biệt, thời điểm này không nên đi mua lợn giống giá cao vì đến lúc bán rất dễ bị lỗ. Thời điểm này mà vào đàn ồ ạt, tới khoảng 4 tháng nữa xuất chuồng, lúc đó vẫn là cao điểm mùa nắng nóng, mà theo quy luật thời tiết nắng nóng thì nhu cầu sử dụng thịt lợn sẽ giảm, giá lợn sẽ giảm. Từ đó để thấy được, khi vào đàn mới, người chăn nuôi cần cân nhắc kỹ lưỡng để tránh cung vượt cầu như hồi đầu năm 2017 khiến giá lợn giảm kỷ lục, dân thua lỗ nặng”, ông Dương phân tích.

Trong bối cảnh giá lợn đang tăng nhanh từng ngày, nhiều người chăn nuôi bắt đầu có kế hoạch tái đàn. Tuy nhiên để việc tái đàn diễn ra hiệu quả và mang lại giá trị kinh tế tốt nhất người chăn nuôi cần lưu ý những điều cơ bản sau về: sửa chữa chuồng trại và vệ sinh phòng chống dịch bệnh; chọn thức ăn; chọn con giống

Trước khi nuôi đàn mới phải vệ sinh tiêu độc khử trùng và để trống chuồng ít nhất 15 – 20 ngày. Người chăn nuôi cần linh hoạt trong sử dụng thức ăn chăn nuôi, tận dụng sản phẩm và phụ phẩm nông nghiệp sẵn có để chăn nuôi như: ngô, đậu tương, thóc, rơm, thân ngô, cỏ… Không sử dụng thức ăn chăn nuôi kém chất lượng, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bảo đảm chất lượng sản phẩm chăn nuôi khi xuất bán.

Chất lượng con giống cũng cần đặc biệt quan tâm. Đối với vật nuôi tái đàn, phải đảm bảo chỉ nhập giống rõ nguồn gốc, xuất xứ, có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Nhập giống bổ sung cần nuôi cách ly 2-3 tuần để theo dõi bệnh, đảm bảo giống khỏe mạnh mới cho nhập đàn.

Theo Báo Điện tử Chính Phủ

Bài viết liên quan

Đăng nhập

Đăng ký

Thông tin cá nhân của bạn sẽ được sử dụng để tăng cường trải nghiệm sử dụng website, để quản lý truy cập vào tài khoản của bạn, và cho các mục đích cụ thể khác được mô tả trong chính sách riêng tư của chúng tôi.