nuoc-giai-khac-LC-Foods (1)

Giá heo hơi hôm nay 21/7: Người nuôi vẫn lãi đậm, chăn nuôi cuối năm sẽ ra sao?

Mưa bão liên miên, giá heo hơi (lợn hơi) hôm nay 21/7 duy trì mức cao 

Theo thông tin tổng hợp từ thị trường, mưa bão nhiều ngày qua đã khiến giá một số loại rau xanh, thực phẩm ở các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung Bộ tăng chóng mặt, nhất là các loại rau xanh tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường.

Thương lái Nghệ An thu mua heo đưa đi tiêu thụ. Từ đầu tháng 7 đến nay, giá heo hơi tại đây liên tục duy trì mức trên 50.000 đồng/kg đối với heo siêu bán tại trại. Ảnh minh hoạ: baonghean

Trong khi đó, thị trường heo hơi vẫn khá sôi động do nhu cầu giết mổ của thương lái cao. Giá heo hơi tại Nam Định ngày hôm nay cũng có dấu hiệu nhích nhẹ khoảng 500 đồng/kg so với hôm qua, đạt trung bình 53.000-54.000 đồng/kg.

Các địa phương khác như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Lào Cai,… giá heo hơi đang ổn định từ 52.000-54.000 đồng/kg đối với heo siêu. Anh Nguyễn Thế Anh, chủ trang trại ở huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho biết: Với mặt bằng giá bán như hiện nay, sau khi trừ chi phí tiền con giống, thức ăn, công chăm sóc, hao hụt, tiêm vaccine…, các chủ trang trại, nông hộ sẽ có lãi từ 1,3 – 1,7 triệu đồng/100kg heo (tuỳ mô hình chăn nuôi). 

Tại “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước là Đồng Nai, ông Trần Văn Quang – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, lượng lợn Đồng Nai tiêu thụ tại các thị trường trên vẫn ổn định, không có biến động nhiều dù giá đang tăng cao và có sự chênh lệch giữa miền Bắc và miền Nam.

Hiện giá heo hơi được thương lái thu mua tại chuồng dao động từ 48.000 – 49.000 đồng/kg, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 6.

Cũng theo ông Quang, hiện mỗi ngày có khoảng dưới 200 con lợn được thương lái thu mua và vận chuyển ra Bắc để hưởng chênh lệch vì giá heo hơi tại các tỉnh phía Bắc có nơi cao hơn tới 4.000 – 5.000 đồng/kg. Số heo này không đáng kể, bởi mỗi ngày tại địa phương lượng lợn hơi tiêu thụ lên tới khoảng 2.000 con; đưa đi tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ khoảng 6.500 – 7.000 con.

Giá heo hơi (lợn hơi) hôm nay tại các tỉnh phía Nam không biến động, phổ biến từ 48.000-49.000 đồng/kg. Ảnh: T.L

Dự báo tình hình chăn nuôi cuối năm nay sẽ ra sao? 

Trên Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam, ông Đoàn Xuân Trúc – Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định: Chăn nuôi cuối năm được dự báo là phát triển do thị trường tiêu thụ và giá bán thuận lợi. Việc khống chế, kiểm soát dịch bệnh được tăng cường và kiểm soát tốt sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu. Chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi có nhiều triển vọng tạo động lực cho sản xuất chăn nuôi trong nước.

Theo ông Trúc, giá heo hơi Việt Nam đang cao hơn mức bình quân của thế giới ít nhất 5.000 đồng/kg. Heo nội đắt, heo ngoại được ưa chuộng nên lượng thịt nhập khẩu tăng đột biến trong tháng 5 vừa qua. 

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết: Tháng 5.2018, tổng sản lượng thịt nhập khẩu đạt gần 30.000 tấn, trị giá gần 43 triệu USD; tăng hơn 50% về lượng và 39% về giá trị so với tháng 4.2018. 5 tháng đầu năm nay, tổng lượng thịt lợn đã nhập khẩu là 1.661 tấn, kim ngạch đạt gần 2,8 triệu USD (tương đương giảm 58,1% về lượng và 58,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017).

Giá thịt heo trong nước đang ở mức cao trong khi thế giới đặc biệt là các nước lân cận thấp nên nguy cơ thịt ngoại sẽ tràn vào VN, nhất là đường tiểu ngạch. Đáng chú ý, hiện nay Mỹ đang là nước xuất khẩu thịt heo lớn nhất thế giới và cũng là nhà cung cấp thịt heo lớn nhất cho thị trường Việt Nam, với 37% thị phần.

Theo Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 6/2018, đàn lợn nước ta có khoảng 26,42 triệu con, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2017. Ảnh: Hải Đăng

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng thịt heo toàn cầu trong năm 2018 sẽ tăng 1,8% so với năm 2017 lên 113 triệu tấn. Nhà xuất khẩu thịt heo lớn nhất thế giới là Mỹ đang gặp khó về đầu ra do Trung Quốc và Mexico sẽ áp dụng mức thuế nhập khẩu cao để trả đũa việc Mỹ áp thuế nhiều mặt hàng xuất khẩu của các nước này… Và Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiềm năng để các nhà sản xuất thịt heo của Mỹ tăng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, nước có ngành chăn nuôi lớn, phát triển trong khu vực là Thái Lan, giá heo hơi bán tại trại chỉ có 1,67 USD/kg (38.500 đồng/kg), trong khi giá thành sản xuất là 1,92 USD/kg. Nông dân nước này đang phải hứng chịu hậu quả của tình trạng cung vượt cầu như đã xảy ra ở nước ta năm 2016. Hiệp hội chăn nuôi ở Thái đã yêu cầu các trại chăn nuôi quy mô trên 5.000 con phải giảm quy mô đàn, đẩy mạnh xuất khẩu tiểu ngạch sang các nước lân cận.

Ông Trúc nhận định, tình hình chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi từ nay tới cuối năm dự báo vẫn tốt. Đặc biệt, thị trường xuất khẩu, trong đó có sản phẩm thịt heo đã có nhiều khởi sắc. Ngoài Tập đoàn Mavin và Công ty Sojitz Nhật Bản đã công bố hợp tác xuất khẩu thịt heo tươi (heo cấp đông) Việt Nam sang thị trường Myanmar với khoảng 26 tấn/tháng, về lâu dài, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, Philippines, Myanmar… cũng là mục tiêu xuất khẩu của thịt lợn Việt Nam dưới dạng thịt đông lạnh, thịt mát và sản phẩm chế biến từ thịt lợn.

Hiện Bộ NN&PTNT cũng đã ký thỏa thuận với tổ chức thú y thế giới để hỗ trợ các doanh nghiệp chăn nuôi sản xuất theo chuỗi đạt tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu. Trước hết sẽ tập trung vào việc nhà nước đồng hành hỗ trợ các DN lớn, các tập đoàn lớn để họ tìm kiếm thị trường, đồng thời trên cơ sở yêu cầu của các tập đoàn để xây dựng các vùng nguyên liệu, chế biến xuất khẩu.

Điển hình là hỗ trợ Nhà máy Giết mổ chế biến thịt lợn xuất khẩu của Tập đoàn MASAN tại Hà Nam; của Công ty Cổ phần Biển Đông tại Nam Định; của Tập đoàn C.P Việt Nam tại Hà Nội, Bắc Giang; của Tập đoàn DABACO tại Bắc Ninh; xây dựng Chuỗi thịt gà xuất khẩu 4A tại Thanh Hóa…

LCFoods tổng hợp

Bài viết liên quan

Đăng nhập

Đăng ký

Thông tin cá nhân của bạn sẽ được sử dụng để tăng cường trải nghiệm sử dụng website, để quản lý truy cập vào tài khoản của bạn, và cho các mục đích cụ thể khác được mô tả trong chính sách riêng tư của chúng tôi.