Liên tiếp có những tin vui đến với trái cây Việt Nam khi chôm chôm đã chính thức có được tấm “giấy thông hành” sang thị trường New Zealand.
Sáng ngày 10.4, Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp tổ chức lễ công bố xuất khẩu (XK) quả chôm chôm của Việt Nam sang New Zealand.
Bộ NN&PTNT đánh giá cao việc New Zealand không ngừng có những hỗ trợ thiết thực và hợp tác hiệu quả với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua các dự án phát triển như: Dự án phát triển giống trái cây mới giá trị cao tại tỉnh Tiền Gang, dự án rau an toàn tại tỉnh Bình Định,… và bây giờ là tiếp tục hỗ trợ để chôm chôm được XK vào thị trường này.
Đại sứ NewZealand tại Việt Nam, bà Wendy Matthews
và ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật trao biên bản ghi nhớ.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, trái cây được xác định là 1 trong 5 mặt hàng nông sản chiến lược của Việt Nam, đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Thời gian qua, ngành chức năng, các doanh nghiệp và nông dân đã tích cực áp dụng các phương pháp sản xuất tiên tiến để nâng tầm chất lượng trái cây Việt, giúp nhiều sản phẩm thâm nhập được vào các thị trường khó tính.
“Trước chôm chôm, đã có xoài và thanh long được XK sang thị trường New Zealand. Tin tưởng rằng trên đà phát triển của 43 năm quan hệ ngoại giao và đặc biệt là chuyến thăm thành công vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang New Zealand về việc nâng tầm mối quan hệ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược trong thời gian tới, hợp tác về nông nghiệp giữa hai nước sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, góp phần vào sự phồn vinh của hai nước”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.
Phó đại sứ New Zealand tại Việt Nam Keith Conway khẳng định: “New Zealand có những tiêu chuẩn cao đối với việc nhập khẩu sản phẩm thực phẩm nói chung, bao gồm cả trái cây. Đặc biệt chúng tôi có hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cũng như hệ thống đảm bảo chất lượng thực phẩm rất cao”.
“Thật tuyệt vời khi biết Việt Nam đã cố gắng hết sức để đáp ứng yêu cầu cao về an toàn thực phẩm của New Zealand và có thể xuất khẩu trái cây sang New Zealand. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực hết sức để đảm bảo sản phẩm đủ chất lượng ra thị trường thế giới. Chúng tôi sẽ giúp VN có thể xuất khẩu thêm những sản phẩm có giá trị cao ra thị trường quốc tế”, ông Keith Conway nói.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), đến nay, chương trình đảm bảo chính thức XK chôm chôm đã được ký kết giữa Bộ các ngành cơ bản của New Zealand và Cục Bảo vệ thực vật.
Để được XK sang New Zealand, chôm chôm của Việt Nam cần đáp ứng các yêu cầu sau:
Về vườn trồng: vườn trồng chôm chôm phải lập hồ sơ đăng ký và được Cục BVTV cấp mã số đáp ứng về biện pháp canh tác, kiểm soát vi sinh vật gây hại, sản xuất theo quy trình đúng quy định và sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”.
Chôm chôm chính thức được cấp phép XK sang New Zealand.
Về đóng gói và ghi nhãn, các cơ sở đóng gói đăng ký và được Cục BVTV cấp mã số, đảm ảo đáp ứng yêu cầu của New Zealand về đóng gói và ghi nhãn.
Về cơ sở xử lý chiếu xạ, các cơ sở chiếu xạ đã được cục BVTV cấp giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, đảm bảo công tác truy xuất nguồn gốc và đáp ứng yêu cầu xử lý đối với chôm chôm XK sang New Zealand theo đúng yêu cầu nhập khẩu.
Các lô hàng đều được cán bộ kiểm dịch thực vật của Cục BVTV kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và đảm bảo đáp ứng quy định của New Zealand, trong đó đảm bảo không bị nhiễm các loài vi sinh vật gây hại Bactrocare dorsalis, Conogethes punctiferalis,… và được xử lý chiếu xạ với liều tối thiểu là 150 Gray và tối đa không vượt quá 1.000 Gray.
Chôm chôm là loài cây nhiệt đới, được trồng nhiều ở các nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam, chôm chôm được trồng nhiều ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ với diện tích khoảng 26.000ha, năng suất bình quân 15 tấn/ha, sản lượng năm 2017 đạt 341.000 tấn. Đến nay, chôm chôm đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường như Trung Quốc, Canada, EU, Hoa Kỳ,…
Theo đánh giá của Cục BVTV, tiềm năng XK của trái chôm chôm là rất lớn, đơn cử như Hoa Kỳ, nếu như sản lượng XK chôm chôm sang thị trường này năm 2017 chỉ đạt 300 tấn thì chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2018, con số này đã là 200 tấn.
Tuy nhiên, ông Trung cũng thừa nhận, vẫn còn một số tồn tại ảnh hưởng đến quá trình XK chôm chôm của Việt Nam như rào cản về an toàn thực phẩm (mỗi quốc gia có yêu cầu riêng); diện tích chôm chôm ở các nước Đông Nam Á tương đối lớn; tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp vẫn còn.
“Để đảm bảo XK chôm chôm bền vững, chúng tôi sẽ tăng cường quản lý sinh vật gây hại để đảm bảo yêu cầu kiểm dịch thực vật; quy hoạch vùng sản xuất gắn với thị trường, do yêu cầu của mỗi thị trường khác nhau nên có các khu vực sản xuất cho từng quốc gia; phát triển bộ giống tốt, đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch để đảm bảo chất lượng; đồng thời xử lý nghiêm những doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh”, ông Trung khẳng định.
Theo Dân Việt