Có nhiều kinh nghiệm về dinh dưỡng được truyền tai nhau không hề chính xác, cùng điểm qua một số ngộ nhận về dinh dưỡng để bảo vệ sức khoẻ gia đình mình nhé.
Cuộc sống càng hiện đại, tiện lợi thì vấn đề sống khỏe càng được chú ý hơn, đặc biệt là ảnh hưởng của thực phẩm đối với sức khỏe. Tuy nhiên, không ít người vẫn có những quan niệm sai lầm về chế độ ăn uống hàng ngày do những lời truyền miệng không căn cứ. Việc hiểu sai về vai trò, chức năng và ảnh hưởng của thực phẩm lâu ngày có thể đe dọa đến cơ thể bạn.
1. Đường là nguyên nhân của bệnh tiểu đường
Người mắc bệnh tiểu đường là do insulin trong cơ thể có vấn đề, dẫn đến mức đường huyết trong máu cao. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này phần lớn là do yếu tố di truyền, ngoài ra còn do lượng chất béo triglyceride trong máu cao, chế độ ăn giàu carbohydrate, cơ thể lười vận động… Do đó, ăn đường chưa hẳn là nguyên nhân để dẫn đến bệnh tiểu đường.
2. Lipid không tốt cho cơ thể
Nhiều nhận định cho rằng mỡ làm tăng chất béo và cholesterol trong máu, là kẻ thù cho cuộc sống khỏe mạnh. Tuy nhiên, chúng chỉ có hại khi tồn tại với lượng quá nhiều trong cơ thể. Chất béo (lipid) có vai trò quan trọng trong hoạt động sống của tế bào, thiếu hụt chất béo có thể dẫn đến cơ thể trì trệ, mệt mỏi, đặc biệt là kém phát triển ở trẻ nhỏ. Hãy duy trì chế độ ăn tăng cường chất béo tốt (chất béo không bão hòa) có nhiều trong mỡ cá và giảm thiểu chất béo xấu (chất béo bão hòa và chất béo transfat) có nhiều trong mỡ động vật để có sức khỏe tốt.
3. Đường nâu tốt hơn đường trắng
Sự khác biệt giữa 2 loại đường này là đường nâu chứa mật đường, tuy nhiên hàm lượng dinh dưỡng giữa 2 loại này về cơ bản không khác biệt nhau. Do đó, nhận định về đường nâu tốt hơn đường trắng rất khó để xác định, trừ phi bạn tiêu thụ một lượng lớn đường nâu mỗi ngày.
4. Ăn hải sản làm tăng cholesterol trong máu
Không ăn hải sản không có nghĩa giúp bạn sống khỏe hơn, mà về lâu dài còn làm cơ thể thiếu dưỡng chất cần thiết. Chính chế độ ăn quá nhiều thịt, thức ăn làm sẵn và đồ hộp mới là nguyên nhân làm tăng lượng chất béo bão hòa, sản sinh nên cholesterol trong máu, đe dọa sức khỏe.
5. Sữa làm tăng cholesterol
Nhiều người cho rằng sữa tươi có nhiều chất béo sẽ làm tăng lượng cholesterol trong máu, gây hại sức khỏe. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy sữa tươi không những cung cấp lượng dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất dồi dào cho cơ thể, mà còn có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ tim mạch.
6. Tránh carbohydrate để giảm cân
Carbohydrate rất cần thiết để cung cấp năng lượng cho các hoạt động hàng ngày của cơ thể. Thiếu carbohydrate, cơ thể sẽ tiêu hao protein trong cơ bắp, gây tình trạng uể oải, mệt mỏi. Sức khỏe của bạn chỉ bị đe dọa khi bạn tiêu thụ quá nhiều carbohydrate mỗi ngày. Vì vậy, để duy trì lối sống khỏe và giảm cân lành mạnh, bạn hãy giảm lượng calo bằng cách cân bằng thành phần dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn.
7. Không ăn các loại hạt vì chứa nhiều chất béo
Chất béo trong hầu hết các loại hạt khô là chất béo không bão hòa, rất có lợi trong việc phân hủy cholesterol dư thừa trong máu. Ngoài ra, các loại hạt khô chứa hàm lượng protein và chất xơ cao nên đem lại cảm giác no lâu, giảm cảm giác thèm ăn và giúp bạn bạn không bị tăng cân.
8. Bỏ bữa giúp giảm cân
Bỏ bữa có thể giúp giảm lượng calo, nhưng cơ thể thiếu hụt đường và năng lượng cần thiết cho các hoạt động trong ngày sẽ khiến bạn thèm ăn và mất kiểm soát trong các bữa ăn tiếp theo. Do đó, giảm thiểu lượng calo, tăng cường chất xơ và chia nhỏ bữa ăn hợp lý trong ngày sẽ giúp bạn duy trì cân nặng mong muốn.
Duy trì cuộc sống khỏe mạnh là điều hầu hết mọi người đều quan tâm và mong muốn. Tuy nhiên, những quan niệm sai lầm trong thực phẩm hàng ngày không những không có lợi cho sức khỏe mà còn gây hại cho cơ thể bạn. Do đó, hiểu đúng về giá trị dinh dưỡng của món ăn và có chế độ ăn hợp lý là rất quan trọng.
LC FOODS tổng hợp