nuoc-giai-khac-LC-Foods (1)

Tình hình chăn nuôi cả nước tháng 3/2018

Tình hình chung

Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 3/2018 tình hình chăn nuôi bò cả nước phát triển khá do có thị trường tiêu thụ tốt, giá bán thịt bò hơi ở mức khá cao, người chăn nuôi có lãi ổn định. Ước tính đàn bò tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2017; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tăng 3,2%. Chăn nuôi lợn, xu hướng giảm quy mô đàn tiếp tục diễn ra trên cả nước, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã treo chuồng, không còn chăn nuôi lợn. Ước tính tổng đàn lợn cả nước giảm khoảng 6,2% so với cùng thời điểm năm 2017. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, ước tính tổng số gia cầm của cả nước tăng khoảng 6,6% so với cùng kỳ năm 2017; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng quý I tăng 6,8%.


Hình ảnh minh họa

Chăn nuôi trâu, bò: Đợt rét đậm, rét hại từ tháng 1 đến đầu tháng 2 đã ảnh hưởng đến đàn gia súc ở một số tỉnh Miền núi phía Bắc. Theo Tổng cục Thống kê số gia súc chết rét tại một số tỉnh như sau: Điện Biên 2.308 con, Cao Bằng 1.590 con, Yên Bái 1.264 con, Lào Cai 1.022 con, Lạng Sơn 301 con, Hà Giang 273 con. Tổng đàn trâu vẫn giảm dần do hiệu quả kinh tế thấp, thời gian nuôi kéo dài và môi trường chăn thả bị thu hẹp. Đàn bò phát triển khá do có thị trường tiêu thụ tốt, giá bán thịt bò hơi ở mức khá cao, người chăn nuôi có lãi ổn định, đồng thời được sự hỗ trợ nguồn vốn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi của các ngành, các cấp và chính quyền địa phương. Ước tính tổng số trâu của cả nước giảm 0,5%, đàn bò tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2017; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng quý I tăng 0,6%, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Chăn nuôi lợn: Thời điểm trước Tết, giá thịt lợn hơi bán cho thương lái tăng khá, những tưởng đây là dấu hiệu tích cực cho người chăn nuôi có cơ hội tái đàn. Tuy nhiên sau Tết, giá thịt lợn hơi lại giảm xuống đáng kể khiến cho xu hướng giảm quy mô đàn tiếp tục diễn ra trên cả nước, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã treo chuồng, không còn chăn nuôi lợn. Theo Tổng cục Thống kê ước tính tổng đàn lợn cả nước giảm khoảng 6,2% so với cùng thời điểm năm 2017. Một số tỉnh có mức giảm tổng đàn lợn lớn là Huế giảm 16,1%, Trà Vinh giảm 15,4%, Vĩnh Long giảm 15,1%, Hà Tĩnh giảm 11,3%, Hòa Bình giảm 10,9%. Ước sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo kết quả điều tra 01/01/2018, một số tỉnh có mức giảm sản lượng lớn là Bắc Ninh giảm 8%, Thái Nguyên 11%; Thanh Hóa giảm 8,6%; Hà Tĩnh giảm 7%, Tây Ninh giảm 30,5%, Long An giảm 34%, Tiền Giang giảm 19,7%.

Chăn nuôi gia cầm: Trong những tháng đầu năm 2018, dịch bệnh gia cầm được kiểm soát, giá bán ổn định ở mức có lãi cho người chăn nuôi là những yếu tố khiến đàn gia cầm cả nước phát triển tốt. Do có thị trường tiêu thụ ổn định, nhiều cơ sở chăn nuôi lớn đã mạnh dạn mở rộng quy mô đàn, áp dụng kỹ thuật tiên tiến. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, mở rộng dây chuyền chế biến, nâng công suất xuất khẩu thịt gà đi thị trường nước ngoài. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước hiện tại tăng khoảng 6,6%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng quý I tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Dịch bệnh: Theo Cục Thú y – Bộ NN&PTNT, tính đến thời điểm 27/03/2018, tình hình dịch bệnh trong cả nước như sau:

Dịch Cúm gia cầm (CGC)
Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh từ các địa phương.
Hiện nay, cả nước không có dịch Cúm Gia cầm.

Dịch Lở mồm long móng gia súc (LMLM)
Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh từ các địa phương.
Hiện nay, cả nước không có dịch LMLM.

Dịch Tai xanh trên lợn
Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh từ các địa phương.
Hiện nay, cả nước không có dịch Tai xanh.

Nhận định tình hình dịch

Cúm gia cầm: Nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng vi rút cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu. Các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống Cúm gia cầm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.

Lở mồm long móng: Nguy cơ phát sinh các ổ dịch trên đàn gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin LMLM hoặc đàn gia súc khỏe mạnh được vận chuyển đến vùng có ổ dịch cũ là rất cao. Do đó, các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch.

Tai xanh trên lợn: Trong thời gian tới, có thể xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao. Các địa phương cần tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, phát hiện sớm ổ dịch, thực hiện nghiêm các qui định về kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn, tăng cường kiểm soát giết mổ lợn, chủ động ngăn chặn dịch phát sinh và lây lan.

Các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành vi rút Cúm gia cầm, Tai xanh và hướng dẫn sử dụng vắc xin năm 2017 (văn bản số 2904/TY-DT ngày 28/12/2017) và thông báo lưu hành vi rút LMLM và hướng dẫn sử dụng vắc xin năm 2017 (công văn số 2168 /TY-DT ngày 05/10/2017) để tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Thị trường chăn nuôi trong nước

Giá lợn hơi trên địa bàn cả nước có xu hướng giảm trong tháng 3/2018. Giá lợn tại miền Bắc giảm khoảng 1.000 – 3.000 đ/kg, dao động phổ biến từ 30.000 – 35.000 đ/kg, sức mua khá chậm. Tại Sơn La, giá lợn hơi giảm 3.000 đ/kg xuống còn 33.000 đ/kg. Tại các tỉnh chăn nuôi nhiều như Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định…, giá lợn hơi cũng giảm 2.000 đ/kg, dao động quanh mức 32.000 – 33.000 đ/kg. Tại Thái Nguyên, Yên Bái và Lào Cai cũng ghi nhận mức giảm 2.000 đ/kg xuống 32.000 đ/kg, Lào Cai giảm 3.000 đ/kg xuống 33.000 đ/kg.

Tại miền Trung, giá lợn hơi giảm 1.000 – 3.000 đ/kg xuống còn 29.000 – 34.000 đ/kg. Cụ thể, giá lợn hơi tại Hà Tĩnh giảm 1.000 đ/kg xuống 34.000 đ/kg; tại Khánh Hoà giảm 2.000 đ/kg xuống còn 31.000 đ/kg; tại Bình Thuận còn 29.000 đ/kg.

Tại miền Nam, giá lợn hơi toàn khu vực được thu mua trong khoảng 27.000 – 32.000 đ/kg, cũng giảm 1.000 đ/kg so với tháng trước.

Trái ngược với xu hướng giá thịt lợn, trong tháng 3/2018, giá gà thịt lông màu khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL có xu hướng tăng với mức tăng 3.000 đ/kg lên 35.000 – 36.000 đ/kg.

Nhìn lại 3 tháng đầu năm, giá thịt lơn và gà thịt lông màu đều có xu hướng giảm với mức giảm lần lượt 5.000 đ/kg và 3.000 đ/kg so với thời điểm cuối năm 2017.

Thị trường nhập khẩu

Thức ăn gia súc và nguyên liệu:

Ước giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 3/2018 ước đạt 337 triệu USD, đưa tổng giá trị thức ăn gia súc và nguyên liệu nhập khẩu 3 tháng đầu năm lên 918 triệu USD, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2017. Thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này trong 2 tháng đầu năm 2018 là Achentina (chiếm 38,3% thị phần), tiếp đến là Hoa Kỳ (11,4%), Ấn Độ (9,2%). Trong đó, thị trường có tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2017 là thị trường Braxin (tăng hơn 7 lần) tiếp đến là thị trường Ấn Độ với mức tăng là 2,1 lần. Ngược lại, giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của thị trường Italia giảm mạnh, với mức giảm 36%.

Đậu tương: Ước khối lượng đậu tương nhập khẩu trong tháng 3/2018 đạt 45 nghìn tấn với giá trị 20 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị đậu tương nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm 2018 đạt 322 nghìn tấn và 137 triệu USD, giảm 28,7% về khối lượng và giảm 31,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Ngô: Ước tính khối lượng ngô nhập khẩu trong tháng 3/2018 đạt 593 nghìn tấn với giá trị đạt 114 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị ngô nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm 2018 đạt 2,08 triệu tấn và giá trị đạt 396 triệu USD, tăng 37,9% về khối lượng và tăng 28,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Achentina và Braxin là hai thị trường nhập khẩu ngô chính trong 2 tháng đầu năm 2018, chiếm thị phần lần lượt là 68,8% và 29,4% tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng này. Trong 2 tháng đầu năm 2018, khối lượng và giá trị nhập khẩu ngô tăng mạnh nhất tại thị trường Lào với mức tăng 6,9 lần về khối lượng và 6,6 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Lúa mì: Ước tính khối lượng nhập khẩu lúa mì trong tháng 3/2018 đạt 492 nghìn tấn với giá trị đạt 114 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị lúa mì nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm 2018 đạt 1,27 triệu tấn và 299 triệu USD, giảm 14,7% về khối lượng và giảm 0,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Ba thị trường nhập khẩu lúa mì chính trong 2 tháng đầu năm 2018 là Nga, Ôxtrâylia và Canada với thị phần lần lượt là 39,6%, 28,9% và 15,7%. Trong đó, thị trường Canada có giá trị lúa mì tăng 87,2% và thị trường Ôxtrâylia có giá trị nhập khẩu lúa mì tăng 12,2%. Đặc biết, trong 2 tháng đầu năm 2018 giá trị nhập khẩu lúa mì tăng đột biệt ở thị trường Brazil và Hoa Kỳ với mức tăng lần lượt gấp khoảng 34 lần và 114 lần so với cùng kỳ năm 2017.

Sắn và các sản phẩm từ sắn XK: Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 3 năm 2018 ước đạt 304 nghìn tấn với giá trị đạt 103 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 3 tháng đầu năm 2018 ước đạt 883 nghìn tấn và 280 triệu USD, giảm 27,3% về khối lượng và giảm 4,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trong 2 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính, chiếm tới 90,8% thị phần, giảm 12,7% về khối lượng nhưng tăng 9,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Theo Chăn nuôi Việt Nam

Bài viết liên quan

Đăng nhập

Đăng ký

Thông tin cá nhân của bạn sẽ được sử dụng để tăng cường trải nghiệm sử dụng website, để quản lý truy cập vào tài khoản của bạn, và cho các mục đích cụ thể khác được mô tả trong chính sách riêng tư của chúng tôi.