nuoc-giai-khac-LC-Foods (1)

Thị trường ngày 8/5: Giá dầu, cà phê, thịt lợn và trái cây nhập khẩu đồng loạt lao dốc

Dầu thấp nhất 1 tháng

Giá dầu thô đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn một tháng ở phiên giao dịch vừa qua khi thị trường lại dấy lên lo ngại nếu Mỹ – Trung không đạt được thỏa thuận sẽ càng ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Dự đoán tồn trữ dầu thô Mỹ có thể đạt mức cao nhất trong vòng 19 tháng càng gây áp lực lên thị trường vàng đen.

Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent giảm 1,36 USD tương đương 1,9% xuống 69,88 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 85 UScent tương đương 1,4% xuống 61,40 USD/thùng. Đây là mức thấp nhất đối với dầu Brent kể từ 4/4/2019 và đối với dầu WTI kể từ 29/3/2019.

Dầu WTI có xu hướng đi xuống từ hai tuần gần đây do nguồn cung dầu thô tăng vượt dự đoán. Tồn trữ dầu thô Mỹ đã lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2017, và dự đoán sẽ tiếp tục tăng thêm 1,2 triệu thùng nữa trong tuần này.

Trong báo cáo mang tên “Triển vọng Năng lượng ngắn hạn” vừa công bố, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ lập kỷ lục cao mới 12,5 triệu thùng/ngày trong năm 2019, so với kỷ lục cũ xác lập trong năm 2018 là 11 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, thiếu tin tưởng vào một thỏa thuận sẽ đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan tới vấn đề thuế quan, nhiều nhà đầu tư dầu đang bán tháo hàng đi.

Tuy nhiên, vấn đề nguồn cung trên thị trường dầu mỏ vẫn căng thẳng bởi Mỹ đang siết chặt lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Iran đồng thời có kế hoạch tăng cường lực lượng Mỹ tại khu vực xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới. Các lệnh trừng phạt của Mỹ đã làm giảm một nửa xuất khảu dầu thô của Iran trong năm vừa qua, xuống dưới 1 triệu thùng/ngày, và dự báo sẽ còn giảm nữa xuống chỉ 500.000 thùng/ngày trong tháng 5 này khi lệnh trừng phạt bị siết chặt. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry khẳng định Saudi Arabia sẽ tăng sản lượng của mình để bù vào chỗ thiếu đi do Mỹ trừng phạt Iran.

Merrill Lynch cũng cho rằng “nguồn cung sẽ không giảm nhiều vì vẫn tồn tại dầu Iran trên thị trường. Ngân hàng này dự đoán giá dầu Brent sẽ quanh mức sàn 70 USD/thùng trong những điều kiện thị trường hiện nay. Tuy nhiên, một số nhà phân tích, trong đó có Goldman Sachs, dự đoán việc OPEC và Nga kiềm chế sản lượng sẽ tiếp tục đẩy giá dầu đi lên.

Vàng tăng do chứng khoán giảm tiếp

Giá vàng tăng trong phiên giao dịch vừa qua do chứng khoán toàn cầu tiếp tục mất điểm sau khi Mỹ đe dọa tăng thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc khiến căng thẳng thương mại lại nóng lên làm gia tăng nhu cầu đối với tài sản an toàn như vàng.

Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay trên sàn LBMA (London Bullion Market Association) tăng 0,3% lên 1.284,45 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 6/2019 trên sàn New York tăng 0,1% lên 1.285,6 USD/ounce.

Tuần này thị trường sẽ theo dõi sát Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump để xem diễn biến căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, sau động thái ông Trump mới đây tuyên bố sẽ nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nếu không đạt được thỏa thuận thương mại nào. Điều này gây làn sóng bán tháo chứng khoán trên toàn cầu bởi nhà đầu tư lo ngại kinh tế toàn cầu sẽ bị tăng trưởng chậm lại. Chứng khoán giảm tạo đà cho vàng đi lên. Việc Mỹ tuyên bố triển khai tàu sân bay và kế hoạch oanh tạc Iran càng khiến cho thị trường vàng nóng lên.

Về phía Trung Quốc, Bộ Thương mại nước này ngày 7/5/2019 đã xác nhận rằng Phó Thủ tướng Liu He sẽ tới Mỹ trong các ngày 9 và 10/5/2019 để tiến hành đàm phán thương mại. Mối quan hệ giữa 2 bên sẽ trở nên rõ ràng hơn chỉ sau vài ngày nữa.

Sắt thép tăng do lo ngại thiếu cung

Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc tăng hơn 4% trong phiên giao dịch vừa qua do lo ngại nguồn cung sẽ trở nên khan hiếm sau khi hãng Vale tạm dừng hoạt động tại Tổ hợp khai thác mỏ Brucutu.

Quặng sắt giao dịch trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) trong phiên vừa qua có lúc tăng giá thêm 4,4% lên 661,5 CNY (97,79 USD)/tấn, mức cao nhất trong vòng 3 tuần, trước khi kết thúc phiên ở mức 652 CNY/tấn.

Vale ngày 6/5 vừa qua thông báo Tòa án cấp trên đã lệnh cho họ phải tạm dừng hoạt động tại mỏ Brucutu – mỏ quặng sắt lớn nhất của hãng này ở Minas Gerais với công suất hàng năm khoảng 30 triệu tấn, trái ngược hoàn toàn với quyết định của Tòa án cấp dưới là cho phép hãng hoạt động trở lại ở mỏ này.

Thép cũng tăng theo giá quặng sắt. Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,2% lên 3.767 CNY/tấn trong phiên vừa qua, từ mức thấp nhất 2 tháng ở phiên trước đó. Tương tự, thép cuộn cán nóng tăng 0,4% lên 3.732 CNY/tấn.

Việc Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho phép hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng vừa và nhỏ kể từ 15/5/2019 để hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế suy yếu càng hỗ trợ giá sắt thép đi lên.

Đồng thấp nhất 2,5 tháng

Giá đồng cũng tiếp tục giảm do hoạt động bán tháo bởi lo ngại về triển vọng nhu cầu trong trường hợp Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận thương mại. Đồng kỳ hạn 3 tháng trên sàn London kết thúc phiên giảm 0,9% xuống 6.180 USD/tấn, gần sát mức thấp nhất kể từ tháng Hai (tuần trước giá đồng đã xuống chỉ 6.150 USD/tấn, thấp chưa từng có kể từ 15/2/2019).

Tuy nhiên, Maike Group, một trong những hãng kinh doanh kim loại lớn nhất Trung Quốc, tin rằng giá đồng sẽ hồi phục trở lại khoảng 6.500 – 6.600 USD/tấn trong năm nay do nhu cầu của Trung Quốc ổn định. Để duy trì đà tăng trưởng kinh tế của mình, Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước. Mới đây, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng vừa và nhỏ kể từ 15/5/2019 để hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế suy yếu.

Cà phê thấp nhất hàng thập kỷ

Giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 7/2019 trên sàn London đã giảm 50 USD tương đương 3,7% xuống 1.295 USD/tấn vào cuối phiên giao dịch vừa qua. Trong phiên, có lúc giá xuống chỉ 1.282 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 4/2010.

Brazil bắt đầu thu hoạch cà phê conilon (robusta) khiến nguồn cung trên thị trường càng chịu thêm áp lực dư thừa. Việc thu hoạch cà phê arabica sẽ được bắt đầu trong vài tuần tới. Sản lượng cả 2 loại dự báo sẽ đều cao. Do đó thị trường cà phê trong thời gian tới dự báo sẽ chưa thể thoát khỏi xu hướng giá giảm.

Arabica kỳ hạn giao tháng 7/2019 cuối phiên vừa qua cũng giảm 2,15 UScent tương đương 2,4% xuống 88 UScent/lb. Trong phiên có lúc giá chỉ 87,60 UScent, thấp nhất trong vòng 13,5 năm.

Thịt lợn Mỹ giảm mạnh

Giá lợn siêu nạc tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng khoảng 2 tháng do lo ngại căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh. Lợn siêu nạc kỳ hạn giao tháng 6/2019 trên sàn Chicago giảm 0,5 UScent xuống 98,025 UScent/lb, sau khi đã giảm 3 UScent ở phiên giao dịch liền trước.

Các nhà chăn nuôi lợn Mỹ rất mong muốn Mỹ và Trung Quốc chấm dứt bất đồng vì Trung Quốc đã giảm mạnh lượng thịt lợn và lợn mua từ Mỹ sau khi Bắc Kinih nâng thuế đối với mặt hàng này nhập khẩu từ Mỹ lên 62% trong năm vừa qua.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn cần phải tăng cường nhập khẩu thịt lợn nói chung bởi dịch tả lợn Châu Phi khiến đàn lợn của nước này bị sụt giảm nghiêm trọng.

Tháng 4 vừa qua, đã có thêm 2 trường hợp dịch tả lợn Châu Phi bị phát hiện ở Nam Phi, gây lo ngại dịch bệnh này vẫn sẽ còn tiếp tục lan rộng trên toàn cầu.

Ớt Trung Quốc được giá

Giá ớt tại Trung Quốc đã tăng nhanh kể từ đầu năm nay, hiện cao hơn nhiều so với các năm trước. Nguyên nhân bởi thời tiết cực đoan ở các khu vực trồng ớt của nước này. Tổng cung ớt Trung Quốc năm nay thấp hơn nhiều so với những năm trước. Giá ớt tươi tăng kéo giá ớt khô tăng theo. Đây là cơ hội lớn cho các nhà sản xuất ớt Ấn Độ. Và trên thực tế, ớt khô Ấn Độ nhập khẩu vào Trung Quốc năm nay tăng rất mạnh.

Trái cây nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ vượt 10 tỷ USD trong năm 2019

Nhập khẩu trái cây vào Trung Quốc đang tăng rất nhanh. Theo EastFruit, năm 2019 thị trường này sẽ nhập khẩu vượt 10 tỷ USD trái cây. Trong 4 tháng đầu năm nay, nhập khẩu đã tăng lên 3,1 tỷ USD, vượt 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng nhập khẩu anh đào đã lên tới 0,9 tỷ USD (thấp hơn 2% so với cùng kỳ). Giai đoạn nhập khẩu anh đào cao điểm là Tết nguyên đán, và 99% được nhập từ Chile.

Đứng vị trí thứ 2 là các loại quả thanh long, nhãn, vải thiều và chôm chôm, trị giá 330,2 triệu USD trong 4 tháng đầu năm nay, tăng 6%.

Đứng thứ 3 là nho (tăng 22% về khối lượng), trong đó hơn một nửa đến thừ Peru – lần đầu tiên ở tỷ lệ này, còn lại là các nhà cung cấp khác như Australia, Chile, Nam Phi, Ấn Độ, Ai Cập, Mỹ.

Đặc biệt, nhập khẩu măng cụt tăng nhanh nhất. Nhập khẩu măng cụt và xoài trong 4 tháng qua đạt trị giá 160 triệu USD, tăng gần 600%. Nhập khẩu sầu riêng cũng tăng nhanh, đạt 206 triệu USD trong 4 tháng đầu năm, tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Bài viết liên quan

Đăng nhập

Đăng ký

Thông tin cá nhân của bạn sẽ được sử dụng để tăng cường trải nghiệm sử dụng website, để quản lý truy cập vào tài khoản của bạn, và cho các mục đích cụ thể khác được mô tả trong chính sách riêng tư của chúng tôi.