Dù đã thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm khống chế tình hình dịch bệnh, tuy nhiên, nguy cơ lan rộng của dịch trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra. Có những vùng dịch có dịch kéo dài 4 tháng chưa xử lý dứt điểm gây tốn kém công sức, tiền của.
Để tiếp tục phòng chống dịch đạt hiệu quả, UBND tỉnh Sơn La giao Sở NN&PTNT – cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phối hợp với Sở Tài chính tham mưu ban hành quyết định về cơ chế chính sách, đối tượng được hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng chống dịch. Phối hợp với các Sở ngành liên quan triển khai các biện pháp về quản lý giết mổ lợn, tiêu thụ các sản phẩm từ lợn khi có bệnh dịch; kiểm soát tốt việc vận chuyển, giết mổ, kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn.
Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình dịch bệnh trên địa bàn các huyện; kiểm tra, thẩm định điều kiện công bố hết dịch trên địa bàn các xã, huyện khi đủ điều kiện. Tiếp tục hỗ trợ hóa chất, vật tư, bảo hộ trong công tác phòng, chống dịch. Chỉ đạo các Trạm Kiểm dịch và các chốt kiểm dịch của tỉnh phải duy trì và tăng cường việc kiểm soát vận chuyển động vật và sản phẩm động vật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Làm việc với các doanh nghiệp, đơn vị chăn nuôi quy mô lớn chủ động kế hoạch sản xuất đảm bảo nguồn cung cấp thịt lợn cho thị trường trong tỉnh.
Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu trình UBND tỉnh ban hành quyết định quy định mức hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân có lợn tiêu hủy. Ban hành hướng dẫn các huyện lập, quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí phòng chống dịch. Tổng hợp kinh phí phòng chống dịch từ các huyện, thành phố báo cáo UBND tỉnh để trình Trung ương hỗ trợ theo quy định.
Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tỉnh và huyện Yên Châu kiểm tra nơi chôn lợn mắc bệnh dịch
UBND các huyện, thành phố tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người dân về công tác phòng chống bệnh dịch, về chính sách hỗ trợ mới của nhà nước đối với người chăn nuôi có lợn tiêu hủy và đối với các lực lượng tham gia chống dịch bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, hội nghị, hội thảo và đến tận cơ sở xã, bản để trực tiếp tuyên truyền.
Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện kịp thời để xử lý nhanh không để lây lan dịch bệnh, không giấu dịch. Khi có dịch xảy ra phải quyết liệt, triệt để trong việc xử lý tiêu hủy, việc xác định phạm vi tiêu hủy do Trưởng ban chỉ đạo quyết định.
Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện hồ sơ để hỗ trợ kịp thời đúng quy định cho người dân có lợn bị tiêu hủy, tránh tình trạng bán chạy lợn. Chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác lợn ra ngoài môi trường, buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn, kinh doanh lợn, sản phẩm của lợn không tuân thủ các quy định của pháp luật.
Tổ chức rà soát, tổng hợp tổng đàn lợn thực tế tại các xã, bản. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn chưa có dịch tăng cường các biện pháp phòng bệnh; chống dịch bệnh đối với các xã, phường, thị trấn đang có dịch.