Kim ngạch nhập khẩu thịt heo tăng tới gần 7 lần
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết tính đến ngày 12/6, số lượng heo buộc phải tiêu hủy là hơn 2,5 triệu con với trọng lượng hơn 148.000 tấn.
Đứng trước tình thực tế hiện nay, nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại về nguy cơ thiếu nguồn cung trong thời gian tới.
Trao đổi với người viết, ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, nơi được mệnh danh là thủ phủ chăn nuôi heo của cả nước, nhận định đặt trong bối cảnh nguồn cung toàn quốc đang giảm nên chắc chắn việc thiếu hụt không thể tránh khỏi.
Trả lời phỏng vấn người viết, ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng Thư kí Hiệp hội Chăn nuôi, cho rằng Việt Nam sẽ phải nhập khẩu thịt heo để bù đắp lượng thiếu hụt, đảm bảo tiêu thụ trong nước, nhất là dịp cuối năm.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch nhập khẩu thịt heo tăng đột biến, gấp tới 6,7 lần so với cùng kì năm ngoái lên 23,5 triệu USD.
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Nhập khẩu heo có thể giảm trong thời gian tới?
Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết so với mọi năm thì số tương đối có tăng mạnh nhưng nếu xét số tuyệt đối không lớn bởi mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 5.000 – 6.000 tấn thịt heo dành cho một số phân khúc đặc thù như nhà hàng, doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ thịt heo như lạp xưởng, xúc xích…
Đối với nhập khẩu thịt heo đông lạnh để bán trong các siêu thị, phục vụ tiêu dùng hàng ngày của người dân thì chưa nhiều.
Ngoài ra, nếu đem so sánh lượng heo nhập khẩu 5.000 – 6.000 tấn/năm với sản lượng thịt heo trong nước khoảng 3 triệu tấn thì còn số này còn quá nhỏ.
Trên thực tế, số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy mặc dù thị phần thịt heo nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm tăng 5 lần nhưng cũng chỉ chiếm 2% thị phần thịt heo trong nước.
“Như vậy, việc nhập khẩu thịt heo tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm chưa ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của Việt Nam“, ông Dương nhận định.
Tuy nhiên, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cảnh báo nếu xu hướng này tăng sẽ ảnh hưởng bởi hiện giá thịt heo trong nước còn thấp so với các thị trường xung quanh.
Cụ thể, giá heo hơi Trung Quốc đạt trên 55.000 đồng/kg, tại Campuchia là 60.000 đồng/kg và Thái Lan là 52.000 đồng, trong khi giá heo hơi của Việt Nam chỉ khoảng 40.000 đồng/kg.
Như vậy, nguồn cung chúng ta không thiếu, nếu tiếp tục tăng nhập khẩu sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi
Vị đại diện Cục Chăn nuôi cho hay trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đang tăng cường sản xuất các nhóm vật nuôi khác tới 7% đến 13% so với cùng kì năm ngoái. Như vậy sản phẩm của các loại gia súc, gia cầm khác hoàn toàn bù lại phần thiếu hụt của thịt heo, nếu nhập vào sẽ bị thừa.
“Nếu doanh nghiệp tiếp tục tăng cường nhập khẩu thịt heo và tích trữ thì đến cuối năm liệu có tiêu thụ được không? Nếu doanh nghiệp thịt heo với giá rẻ mà không bán được, họ lại bán với mọi giá, làm phá thị trường”, ông Dương nhận định.
Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết thực ra đợt vừa rồi doanh nghiệp nhập vào ồ ạt tăng là thời điểm giá còn rẻ. Tuy nhiên, thời gian gần dây, giá heo ở các nước như Canada, Mỹ cũng đã tăng trở lại, do đó, ông Công dự đoán thời gian tới lượng heo nhập khẩu sẽ giảm.
Giải thích việc giá heo hơi ở nhiều nước, trong đó có cả quốc gia xuất khẩu heo sang Việt Nam tăng, ông Công cho biết thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi, Trung Quốc tiêu hủy hơn 200 triệu con heo, tương đương với sản lượng của Mỹ, Canada và châu Âu cộng lại.
Điều này dẫn tới nguồn cung nước này thiếu hụt tới 60% và phải nhập khẩu từ nước ngoài, kéo giá heo tăng cao.
“Đứng dưới góc độ là người đứng đầu Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, tôi chia sẻ với sự lo lắng của người chăn nuôi heo trước thông tin heo nhập khẩu tăng mạnh bởi hiện nay giá quá thấp.
Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi đã lan tới 60 tỉnh thành, có xã ghi nhận không còn heo nên việc nhập khẩu là đương nhiên”, ông Công nói.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng thời gian tới cần có các biện pháp thích ứng từ các nguồn khác như thịt gà, bò… bởi lượng tiêu thụ thịt của Việt Nam lớn. Hiện nay, các doanh nghiệp chăn nuôi gia càm cũng đang đẩy mạnh đầu tư để tăng sản lượng.