nuoc-giai-khac-LC-Foods (1)

Nắng nóng kỷ lục 40 độ: Mất điện, nông dân nuôi lợn lo sốt vó

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), thực tế có những gia đình chăn nuôi lợn bị chết cả đàn vì mất điện. Do vậy, bà con cần chuẩn bị máy phát, máy nổ để đề phòng mất điện. Cục Chăn nuôi khuyến cáo, đối với trâu, bò, dê, cừu chăn thả: những ngày trời nắng nóng, buổi sáng đi chăn thả sớm và về sớm; buổi chiều chăn thả muộn.

 Ông Chinh cho biết, nóng nóng như hiện nay sẽ có ảnh hưởng nhất định tới ngành chăn nuôi, ảnh hưởng tới sinh lý của vật nuôi. Tuy nhiên, ảnh hưởng nhiều nhất có lẽ là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi trâu, bò theo kiểu chăn thả.

Những ngày nắng nóng cần tăng cường làm mát cho đàn vật nuôi. Ảnh: IT.

Đối với lợn, ông Chinh cho biết, hầu hết các trang trại lớn đề có hệ thống làm mát. Do vậy, không ảnh hưởng nhiều tới chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, đối với các hộ chăn nuôi nhỏ, chưa có hệ thống làm mát cần tăng cường quạt, hệ thống phun sương.Đối với trâu bò chăn thả, cần bổ sung nước và muối để tăng cường sức đề kháng.

Lường trước được diễn biến của thời tiết, Cục Chăn nuôi đã có công văn gửi các tỉnh, thành, địa phương để chủ động ứng phó với nắng nóng cho gia súc, gia cầm

Theo đó, các địa phương tập trung nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đào ao tích nước cho gia súc. Hướng dẫn người dân chăm sóc vật nuôi, gia súc, gia cầm … trong điều kiện khô hạn, tiết kiệm nước, chuẩn bị thức ăn, nước uống, tận mọi nguồn nước dùng để làm nước uống cho gia súc, gia cầm.

Chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ và chế biến các loại phụ phẩm sau khi thu hoạch (đặc biệt là rơm khô) làm thức ăn cho gia súc, gia cầm trước và trong mùa khô hạn.

Theo ông Chinh, những ngày khô hạn, thực hiện chế độ chuyển bữa ăn, thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp thường chuyển sang cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Tăng cường khẩu phần ăn xanh như rau cỏ tươi, củ, quả và các loại vitamin… tăng cường khẩu phần đạm, giảm tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần đối với từng loại gia súc, gia cầm.

Đảm bảo thường xuyên có đủ nước cho gia súc, gia cầm uống, không làm ẩm ướt nền chuồng và khống chế lượng nước uống cho đàn gia súc, gia cầm vừa đủ để tránh lãng phí. Lắp các thiết bị van nước tự động để luôn cấp đủ nước sạch cho gia súc, gia cầm uống nếu có điều kiện.

Cần thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại. Ảnh: IT.

Đối với gia cầm: Nuôi nhốt với mật độ vừa phải như: Gà bé 50 – 60 con/m2, gà 0,5-1 kg nhốt 20-30 con/m2, gà 2-3 kg nhốt 7-10 con/m2, Nếu nóng quá có thể thả ra vườn, gốc cây quanh chuồng. Đối với gà đẻ nên tránh nuôi quá béo bằng cách giảm bớt hàm lượng năng lượng trong khẩu phần, cho ăn thêm rau xanh.

Đối với lợn: Mật độ nuôi nhốt đối với nái 3 – 4 m2/con, lợn thịt là 2 m2/con. Cho uống đủ nước và tiết kiệm. Ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn nếu có điều kiện có thể tiết kiệm 80% nước tắm lợn và nước rửa chuồng trại kết hợp với các biện pháp chống nóng.

Thu gom định kỳ chất thải rắn từ chăn nuôi để ủ compost sử dụng nuôi giun quế (Perionyx excavatus), giun đỏ (Lumbricus rubellus) để có nguồn đạm bổ sung cho vật nuôi và tiết kiệm nước để làm sạch nền chuồng.

Về chuồng trại, theo Cục Chăn nuôi, nên làm chuồng gia súc theo hướng Đông Nam, xa nhà ở nhưng vẫn đảm bảo theo dõi được tình trạng của gia súc, gia cầm. Nếu có điều kiện nên làm nóc hở và có hai mái phụ che phần hở để tăng cường độ thoáng của chuồng.

Đối với chuồng kín cần cải tạo cho thông thoáng hoặc đặt quạt hút gió để tăng cường đối lưu không khí, giảm nhiệt độ và khí độc trong chuồng. Đối với trang trại chăn nuôi lớn ở vùng khô hạn, có thể áp dụng hệ thống tái sử dụng nước tuần hoàn trong trại để tiết kiệm nước.

Đặc biệt, theo Cục Chăn nuôi cần tăng cường vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh tẩy uế chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi. Tiêm đầy đủ các loại vacxin cho gia súc, gia cầm để tăng cường khả năng miễn dịch. Định kỳ tẩy giun, sán cho vật nuôi. Định kỳ phun thuốc sát trùng để diệt ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt… là những tác nhân truyền và gây bệnh.

Đồng thời, phát hiện sớm các loại gia súc, gia cầm bị ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời tránh để bệnh lây lan rộng, cần quan tâm nhất là các bệnh đường ruột và tiêu hóa bằng cách chủ động cho gia súc ăn, uống thuốc ở liều phòng bệnh.

Sau những đợt khô hạn kéo dài, đàn gia súc thường mệt mỏi, tăng tỷ lệ mắc bệnh, giảm lượng sữa, trứng… Vì vậy cần có kế hoạch bổ sung khoáng, vitamin và dinh dưỡng theo tiêu chuẩn.

Cục Trồng trọt khuyến cáo, nắng nóng bà con không nên bón nhiều đạm. Ảnh: IT.

Đối với ngành trồng trọt, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong giai đoạn này, nắng nóng không ảnh hưởng nhiều tới lĩnh vực trồng trọt. Trời nắng nóng, bà con nên tranh thủ làm đất, vì rơm rạ đang phân hủy nhanh.

Thứ hai là giữ nước mặt ruộng. Thứ ba là không nên bón nhiều đạm khi trời nắng nóng, vì có thể làm chết cây mạ. Khi gieo mạ không nên bón thúc đạm, mạ dễ bị chột. Tuy nhiên, nắng nóng cũng ảnh hưởng tới việc sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân. Vì “cua ngoi lên bờ, mẹ em xuống cấy”, ảnh hưởng tới sức khỏe người nông dân.

Đối với các loại cây ăn quả, ông Định cho biết, cây vải đã vào cuối mùa thu hoạch, sau đó bà con để cây nghỉ ngơi và tiến hành chăm sóc cây cho vụ năm sau. Đối với cây nhãn, đang trong giai đoạn nuôi quả, nắng nóng chỉ ảnh hưởng tới việc vận chuyển và tiêu thụ nhãn của bà con. Bên cạnh đó, bà còn cần tưới nước bổ sung cho nhãn vào buổi tối và sáng sớm.

LCFoods tổng hợp

Bài viết liên quan

Đăng nhập

Đăng ký

Thông tin cá nhân của bạn sẽ được sử dụng để tăng cường trải nghiệm sử dụng website, để quản lý truy cập vào tài khoản của bạn, và cho các mục đích cụ thể khác được mô tả trong chính sách riêng tư của chúng tôi.