nuoc-giai-khac-LC-Foods (1)

Cà Mau: Phát triển nuôi tôm siêu thâm canh theo quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái

Mục tiêu của Chính phủ là đưa Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là thủ phủ của nuôi trồng, chế biến tôm chất lượng cao. Qua đó, phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 10 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, riêng tỉnh Cà Mau đến năm 2021 phấn đấu đạt 2 tỷ USD, trở thành một trong những địa phương trọng điểm không chỉ của khu vực mà còn của cả nước.


Ảnh minh họa

Để đạt được mục tiêu trên, hiện nay, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng đang tập trung thực hiện chuyển dần từ hình thức nuôi tôm thâm canh bằng ao đất sang siêu thâm canh bằng ao lót bạt nhằm nâng cao năng suất cũng như để kiểm soát tốt dịch bệnh. Để áp dụng nuôi tôm siêu thâm canh đạt hiệu quả cao thì khoa học công nghệ đóng vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần tập trung các giải pháp kiểm soát dịch bệnh cũng như kiểm soát môi trường cũng như cần tuân thủ phát triển theo quy hoạch.

Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thủy sản được chứng minh là bước đột phá ngoạn mục và đã gặt hái được những thành công. Nổi bật nhất là chuyển đổi nhận thức từ nuôi tôm theo truyền thống sang nuôi siêu thâm canh kiểm soát được dịch bệnh, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đây là mô hình nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, vì vậy, tỉnh Cà Mau khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi tôm siêu thâm canh theo quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững.

Tuy nhiên, từ thực tế những năm gần đây nuôi tôm theo hình thức công nghiệp, và giờ đây là nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nếu không thực hiện khép kín quy trình, tập trung vào vùng nuôi thì sẽ dễ dẫn đến gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng. 

Để phát triển nuôi tôm siêu thâm canh thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, mới đây UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố Cà Mau tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ tình hình nuôi tôm công nghiệp, đặc biệt là kiểm soát tốt việc nuôi tôm siêu thâm canh đang tăng nhanh về diện tích, sản lượng trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các cơ quan quản lý, chính quyền các địa phương áp biện dụng biện pháp siết chặt quản lý về nhà nước trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản; tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời buộc khắc phục hậu quả đối với những hộ nuôi tôm có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra sông, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến đời sống, sản xuất của người dân trong vùng nuôi thủy sản.

Cà Mau là một trong những tỉnh có diện tích nuôi thủy sản lớn nhất cả nước, khoảng 303.000ha, chiếm gần 30% cả nước và chiếm khoảng 40% vùng ĐBSCL. Sản lượng nuôi hằng năm đạt trên 315.000 tấn. Hiện nay, chỉ tính riêng diện tích nuôi tôm công nghiệp của địa phương đã đạt gần 10.000ha. Trong đó, có diện tích nuôi tôm siêu thâm canh tăng nhanh, gần 1.000ha, với năng suất đạt khoảng hơn 50 tấn/ha/vụ. Từ đó, kịp thời đáp ứng được nguồn nguyên liệu cho các nhà máy, xí nghiệp góp một phần lớn vào kim ngạch xuất khẩu của địa phương.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát chặt chẽ về môi trường trong nuôi tôm, cơ quan chức năng tỉnh đang xúc tiến lập dự án thí điểm xây dựng vùng nuôi tôm siêu thâm canh tập trung tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, với quy mô vừa bằng nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Đầm Dơi và các sở, ngành có liên quan tổ chức khảo sát, định hướng xây dựng mô hình vùng nuôi tôm siêu thâm canh tập trung của tỉnh và dự án đầu tư nuôi tôm nuôi tôm siêu thâm canh tập trung của doanh nghiệp. Tỉnh sẽ mời gọi, chọn lựa doanh nghiệp có năng lực và tâm huyết đăng ký thực hiện dự án kể trên.

Ngoài ra, UBND các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân… cũng thường xuyên quan tâm chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra chấn chỉnh việc nuôi tôm gây ô nhiễm môi trường; hướng dẫn các hộ nuôi tôm áp dụng kỹ thuật, quy trình xử lý nước thải, chất thải trong nuôi tôm, nhằm để hạn chế tình trạng gây ô nhiễm.

Thời gian qua, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh ở Cà Mau phát triển với tốc độ khá nhanh, hiệu quả kinh tế mang lại rất lớn. Nhiều hộ dân đã nhanh chóng trở thành tỷ phú nhờ áp dụng mô hình nuôi mới này. Tuy nhiên, chính quyền địa phương sẽ không chấp nhận việc các hộ dân đặt lợi ích kinh tế lên trên hết mà xem nhẹ trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Theo Tổng cục thủy sản

Bài viết liên quan

Đăng nhập

Đăng ký

Thông tin cá nhân của bạn sẽ được sử dụng để tăng cường trải nghiệm sử dụng website, để quản lý truy cập vào tài khoản của bạn, và cho các mục đích cụ thể khác được mô tả trong chính sách riêng tư của chúng tôi.